Cuộc chiến ở Trung Đông đang tạo ra những dư chấn vượt xa khu vực, đặt khu vực Trung Á - không gian ảnh hưởng chiến lược lâu đời của Nga - vào tầm ngắm của những biến động địa chính trị ngày càng rõ rệt. Trong bối cảnh này, Moscow buộc phải đánh giá lại vai trò và giới hạn của nước này trong việc bảo vệ an ninh khu vực trước các kịch bản có thể xảy ra.
'Tính nhạy cảm' của Trung Á
Nếu Iran - một mắt xích quan trọng trong cán cân quyền lực Á-Âu - rơi vào tình trạng bất ổn hoặc đối mặt những thay đổi sâu rộng trong nội bộ, lãnh thổ nước này có thể trở thành điểm trung chuyển cho các lực lượng bên ngoài thâm nhập vào Trung Á, theo báo Vzglyad (Nga).
Theo ông Timofey Bordachev - Giám đốc Chương trình tại tổ chức nghiên cứu Valdai Club (Nga), điều này tiềm ẩn nguy cơ đáng kể đối với một khu vực mà từ lâu được Moscow xem là phần mở rộng tự nhiên của không gian chiến lược quốc gia.
Với đặc điểm địa chính trị thiếu vắng các đường biên giới tự nhiên rõ rệt, Nga luôn phụ thuộc vào các vùng đệm, mà Trung Á là một ví dụ điển hình. Mọi biến động trong khu vực này đều được Moscow xem xét dưới lăng kính an ninh quốc gia. Câu hỏi đặt ra là: Nga sẽ cần hành động tới mức nào để ngăn chặn những rủi ro này trở thành hiện thực?
Lãnh đạo 6 nước tham dự Thượng đỉnh Nga-Trung Á lần đầu tiên hồi 2022. Ảnh: VĂN PHÒNG BÁO CHÍ TỔNG THỐNG KAZAKHSTAN
Lần đầu tiên kể từ đầu thập niên 1990, Trung Á đối mặt nguy cơ bị các thế lực gây bất ổn xâm nhập nghiêm trọng. Từng được coi là vùng ngoại biên yên ổn, khu vực này nay đang chứng kiến sự rạn nứt của thế biệt lập về mặt địa lý. Dù cách xa các điểm nóng như Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq hay Israel, Trung Á không còn miễn nhiễm với những cơn sóng ngầm từ Trung Đông.
Từ cuối thế kỷ 19, Afghanistan luôn là mối lo an ninh thường trực. Tuy nhiên, nguy cơ ít khi đến từ các chính phủ hợp pháp mà từ việc lãnh thổ này bị các phần tử cực đoan sử dụng làm nơi trú ẩn và xuất phát điểm cho các cuộc tấn công sang các nước hậu Xô Viết lân cận. Nga - vốn có cộng đồng Hồi giáo lớn, từ lâu đã coi việc ngăn chặn hiệu ứng lan tràn từ Afghanistan là ưu tiên.
Thế nhưng, cục diện đang có những thay đổi đáng kể. Kể từ tháng 10-2023, căng thẳng khu vực gia tăng do các động thái chính sách đối ngoại cứng rắn của Israel trong bối cảnh xung đột kéo dài. Trong bối cảnh đó, việc duy trì thế trung lập trở nên ngày càng khó khăn, ngay cả với các quốc gia Ả Rập vốn mong muốn tránh bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu.
Tác động của các diễn biến này không chỉ giới hạn trong không gian Trung Đông, mà còn lan rộng sang toàn bộ vùng Á-Âu. Nếu Iran rơi vào hỗn loạn, khoảng trống an ninh để lại sẽ là cơ hội cho các thế lực bên ngoài can thiệp sâu hơn vào Trung Á - không vì lợi ích của khu vực, mà để gây sức ép lên Moscow.
Theo ông Bordachev, điều này càng đáng quan ngại khi phương Tây không xem Trung Á là đối tác chiến lược, mà chỉ là một khu vực để khai thác (cả về tài nguyên và giá trị chiến lược nhằm làm suy yếu đối thủ).
Cùng lúc, các mối đe dọa nội tại cũng đang dần hiện rõ. Những diễn biến tại Gaza đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng Hồi giáo, gồm cả tại Trung Á.
Ở khu vực này, nơi vẫn duy trì mối liên hệ sâu sắc với văn hóa Nga và di sản Xô Viết, người dân có xu hướng nhạy cảm với các vấn đề liên quan đến công lý. Trong hoàn cảnh như vậy, các cảm nhận về bất công ở Trung Đông có thể châm ngòi cho phản ứng cực đoan từ một bộ phận dân cư, mở ra cơ hội cho các tổ chức cực đoan tìm cách khai thác.
Nga là đối tác kinh tế lớn, đóng vai trò then chốt trong năng lượng, hạ tầng kỹ thuật số và quốc phòng đối với Trung Á. Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan đều có hiệp ước an ninh với Moscow. Ngoài ra, Kyrgyzstan và Tajikistan còn cho phép Nga đặt căn cứ quân sự, theo tờ The Economist.
Moscow và các nước Trung Á sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai vào tháng 10 năm nay, sau hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 2022 tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Nga và bài toán giữ ảnh hưởng ở vùng đệm chiến lược
Các chính phủ Trung Á nhiều năm qua đã chủ động tránh bị cuốn vào các toan tính địa chính trị toàn cầu. Một trong những nỗ lực đáng chú ý là việc hình thành nhóm "Central Asian Five" – một cơ chế đối thoại khu vực và điều phối nội khối nhằm tăng cường năng lực tự chủ.
Nga ủng hộ sáng kiến này, nhận thức rõ rằng chỉ khi các nước trong khu vực đoàn kết và đủ năng lực tự vệ, thì Moscow mới có thể giảm gánh nặng bảo vệ không gian ảnh hưởng.
Các nước thành viên đối thoại tại Thượng đỉnh Nga-Trung Á lần đầu tiên hồi 2022. Ảnh: Điện KREMLIN
Tuy nhiên, Trung Á không phải là một khoảng trống quyền lực. Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tăng cường hiện diện tại đây, với mong muốn kết nối các nước có chung nguồn gốc văn hóa và ngôn ngữ Turk.
Dù vậy, các lãnh đạo Trung Á vẫn giữ thái độ thận trọng. Họ hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa đủ mạnh về kinh tế và quân sự để làm chỗ dựa lâu dài, việc bảo vệ lợi ích quốc gia cần dựa vào sự tính toán thực tế, thay vì chỉ chạy theo cảm xúc hoặc lý tưởng văn hóa.
Trên thực tế, chính sách đối ngoại của khu vực được định hình bởi chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) - vừa linh hoạt, vừa thận trọng. Các quốc gia Trung Á duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc, đồng thời tránh bị phụ thuộc quá mức vào bất kỳ bên nào. Moscow không có lý do để cảm thấy bị phật lòng trước những toan tính cân bằng này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Bordachev, ngay cả chính sách đối ngoại khôn khéo nhất cũng không thể miễn nhiễm trước những cơn sóng dữ từ bên ngoài. Và Moscow hiểu rõ rằng mình cần một cách tiếp cận thực tế, thay vì ôm đồm trách nhiệm quá mức.
Vì vậy, ông Bordachev nhấn mạnh rằng Nga cần làm rõ một điều: việc bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Á trước hết là trách nhiệm của chính các quốc gia trong khu vực. Moscow vẫn sẵn sàng là một đối tác có trách nhiệm, một người bạn và láng giềng đáng tin cậy. Tuy nhiên, Nga sẽ không đánh đổi tương lai của mình cho những cam kết mơ hồ hay những lời hứa không đi kèm hành động cụ thể.
“Trong thời đại mà các chuẩn mực sụp đổ và bạo lực lên ngôi, cách tiếp cận tỉnh táo và cân bằng này là con đường duy nhất có thể đảm bảo cả hòa bình khu vực lẫn an ninh lâu dài của Nga” - ông Bordachev nhận định.
Châu Âu đẩy mạnh hiện diện tại Trung Á Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)–Trung Á lần đầu tiên đã diễn ra vào ngày 3 và 4-4 vừa qua tại TP Samarkand (Uzbekistan), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc chính thức hóa hợp tác giữa khu vực này và châu Âu ở cấp độ chính trị cao nhất. Theo viện nghiên cứu Chatham House (Anh), sự kiện này cũng làm dấy lên lo ngại tại Moscow rằng các quốc gia Trung Á đang dần trở thành những chủ thể chính trị độc lập, thay vì phụ thuộc vào ảnh hưởng truyền thống của Nga. EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Trung Á và là đối tác thương mại quan trọng, bên cạnh Trung Quốc và Nga. Từ năm 2023 đến hết quý I năm nay, làn sóng các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo phương Tây đến Trung Á không ngừng gia tăng, với mục tiêu tăng cường hợp tác trong bối cảnh khu vực này sở hữu trữ lượng lớn năng lượng hóa thạch và nguyên liệu chiến lược. Châu Âu đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển các trung tâm chuỗi cung ứng tại Trung Á. Một trọng tâm khác là thúc đẩy Hành lang Trung Á–Biển Caspi–Nam Kavkaz–Thổ Nhĩ Kỳ - tuyến vận tải đa phương thức nối từ Trung Quốc tới EU mà không đi qua Nga. Đây được xem là nỗ lực nhằm đa dạng hóa tuyến thương mại Á-Âu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Tháng 1-2024, Ủy ban châu Âu đã công bố gói đầu tư trị giá 10 tỉ euro nhằm tăng cường kết nối hạ tầng vận tải trong khu vực. Có thể thấy rằng EU đang từng bước củng cố ảnh hưởng kinh tế và chiến lược tại một khu vực từng được xem là "sân sau" của Moscow. |
Nguồn: https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/song-du-trung-dong-va-thach-thuc-chien-luoc-cua-nga-o-trung-a-c415a1680992.html
Có thời điểm, hai máy bay cách nhau chỉ 90 - 120 m, gần hơn nhiều so với tiêu chuẩn tối thiểu là 300 m, theo trang theo dõi chuyến bay Flightradar24.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 10/7 (giờ địa phương) cho biết sẵn sàng đàm phán lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza trong thời gian ngừng bắn 60 ngày, nhưng chỉ khi vùng lãnh thổ này được phi quân sự hóa.
Thế giớiThủ tướng Nga nói đã sản xuất nhiều drone gấp ba lần mục tiêu đề ra, khi gần đây thường sử dụng số lượng lớn để tập kích Ukraine.
Thế giớiGần đây, quân đội Nga liên tục tập kích các trung tâm tuyển quân ở Ukraine, với đỉnh điểm là loạt vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào các trung tâm khu vực Kharkiv, Zaporizhzhia và Kremenchuk vào ngày 7/7.
Thế giới