Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận hai trường hợp bị chó nhà cắn.
Trường hợp thứ nhất là bé gái 5 tuổi ở Hà Nội, bị chó nhà nặng hơn 20kg tấn công vào vùng đầu – mặt, khu vực gần hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ lan truyền virus nếu con vật mang mầm bệnh.
Khi nhập viện, bé có hơn 10 vết thương, trong đó có một vết sâu in rõ dấu răng chó. Các bác sĩ đã xử trí cấp cứu, khâu hở khoảng 10 mũi để dẫn lưu dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Trường hợp thứ hai là một phụ nữ 45 tuổi ở Hà Nội bị chính chó nhà cắn vào tay. Con vật chỉ nặng khoảng 5–6kg nhưng đã chết ngay sau đó – dấu hiệu đáng ngờ có thể liên quan đến bệnh dại, dù cần xét nghiệm để xác định chính xác.
Bệnh nhân lập tức đến cơ sở y tế gần nhà để xử trí và tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, do có tiền sử lupus ban đỏ – bệnh tự miễn gây rối loạn miễn dịch – chị được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để theo dõi sát quá trình tiêm, phòng ngừa sốc phản vệ hoặc biến chứng.
Bác sĩ thăm khám cho bé gái 5 tuổi bị chó cắn.
Bác sĩ Phạm Văn Tỉnh – Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống cảnh báo: Nhiều người nghĩ khâu kín sẽ mau lành, nhưng với vết cắn, khâu hở giúp theo dõi và ngừa biến chứng tốt hơn. Hiện bé gái đang được theo dõi và tiếp tục phác đồ tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại.
TS.BS Ngô Thanh Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cảnh báo: “Chó nhà, kể cả chó nhỏ, nếu không được tiêm vắc-xin định kỳ vẫn có thể mang virus dại, dù không có biểu hiện rõ ràng. Virus tồn tại trong nước bọt và có thể lây sang người qua vết cắn.”
Virus dại là một trong những tác nhân truyền nhiễm nguy hiểm nhất, với tỷ lệ tử vong lên tới 100% nếu người bệnh đã phát cơn dại. Người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, không thả rông chó mèo; nếu đưa chó ra ngoài, phải đeo rọ mõm. Tuyệt đối không để trẻ nhỏ tiếp xúc gần với chó lớn khi không có người giám sát. Khi bị chó cắn – kể cả chó đã được tiêm phòng – cần đến cơ sở y tế để được xử trí và tiêm phòng đúng phác đồ.
Mùa hè là thời điểm bệnh dại dễ bùng phát. Nắng nóng khiến chó dễ kích động, hung dữ, trong khi tình trạng thả rông vật nuôi không tiêm phòng vẫn phổ biến. Đây là điều kiện thuận lợi để virus dại lây lan trong cộng đồng. Mỗi sự chủ quan đều có thể phải đánh đổi bằng sức khỏe – thậm chí là tính mạng.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/be-gai-5-tuoi-nhap-vien-khau-10-mui-vi-bi-cho-nha-can-c62a1659976.html
Trẻ em với bản tính hiếu động, tò mò nhưng thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân, rất dễ gặp phải những tai nạn đáng tiếc.
Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật làm rõ, xử lý nghiêm vụ người nhà bệnh nhân hành hung.
Sức khỏeTrước khi nhập viện, người bệnh có uống rượu trong bữa ăn, đến sáng hôm sau thấy xuất hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt gia đình đã đưa đến viện khám.
Sức khỏeMột phụ nữ 50 tuổi ở Cẩm Phả, Quảng Ninh, sau một năm mãn kinh, bất ngờ phát hiện khối u xơ tử cung lớn chiếm gần toàn bộ ổ bụng.
Sức khỏe